Nhựa (polyme) được sử dụng ngày càng nhiều trong đời sống kinh tế, xã hội và môi trường do giá rẻ và tiện ích cao nên loại vật liệu này được sản xuất với khối lượng rất lớn. Do đó, rác thải nhựa đã và đang gây ra nhiều ảnh hưởng đến toàn bộ sự sống trên hành tinh, đặc biệt là ở đại dương bởi tính chất khó phân hủy của chúng. Rác thải nhựa đang là vấn đề mang tính thời sự, đòi hỏi các cơ quan chức năng có thẩm quyền phải đưa ra những quyết định thay đổi một cách có hệ thống bằng việc xây dựng chính sách phù hợp; đầu tư vào nghiên cứu khoa học trong việc xử lý loại rác thải này; và khuyến cáo người dân sử dụng các loại vật liệu thay thế có khả năng phân hủy sinh học.
Được sự đồng ý và ủng hộ của Lãnh đạo Viện Hàn lâm KHCNVN, ngày 10/12/2019, tại Hà Nội, Viện Công nghệ Sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức Diễn đàn "Ô nhiễm rác thải nhựa và Giải pháp". Diễn đàn nhằm mục đích chia sẻ tri thức, kinh nghiệm nghiên cứu và các giải pháp ứng dụng sản phẩm nhựa phân hủy sinh học trong đời sống để từ đó giảm thiểu tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa hóa học ở Việt Nam cũng như trên Thế giới.
Tham dự diễn đàn, đại diện lãnh đạo Viện Hàn lâm KHCNVN có GS.TS. Phan Ngọc Minh – Phó Chủ tịch Viện HL. Ngoài ra, diễn đàn còn có sự tham gia của hơn 150 các nhà khoa học của hơn 20 đơn vị trong Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đồng thời còn có sự tham gia của các nhà khoa học, quản lý của: Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Viện Di truyền Nông nghiệp, Trường Đại học Mở, các Viện và Trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cùng các cơ quan thông tấn báo chí.
Phát biểu khai mạc GS.TS. Phan Ngọc Minh khẳng định Diễn đàn có ý nghĩa quan trọng đối với môi trường sống và nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu, trường đại học cũng như đông đảo nhà khoa học và của toàn xã hội. Giáo sư bày tỏ sự tin tưởng rằng Diễn đàn là cơ hội để các nhà khoa học cùng chia sẻ kinh nghiệm, tri thức, xu hướng và ứng dụng các sản phẩm nhựa phân hủy sinh học vào đời sống, góp phần làm cho cuộc sống cộng đồng trở nên tốt đẹp hơn.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, hàng năm có khoảng 13 triệu tấn rác nhựa thải ra đại dương và hiện có khoảng 9,1 tỷ tấn rác thải nhựa tích tụ trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, tổng lượng nhựa PE hạt và PE tái chế đã tạo ra lượng sản phẩm nhựa đạt 1,8 triệu tấn/năm và cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước; trung bình mỗi gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng, tổng cộng mỗi ngày hai TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon. Để phân hủy hoàn toàn các sản phẩm nhựa, túi ni lông cần thời gian hàng trăm năm, đặc biệt là các sản phẩm nhựa thải ra đại dương có thể kéo dài hơn. Việc lạm dụng sử dụng túi ni lông khó phân hủy, các sản phẩm nhựa nhất là đồ dùng nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả khôn lường với môi trường. Song song với vấn đề phân loại rác thải nhựa, xử lý các sản phẩm nhựa tổng hợp đang hiện hữu, con người cần hướng tới các giải pháp xử lý từ nguồn, sử dụng các sản phẩm nhựa có thể phân hủy sinh học… Thấu hiểu vấn đề nóng bỏng này, trong những năm qua, Viện Hàn lâm KHCNVN đã thực hiện các nghiên cứu liên quan đến đánh giá mức độ phân hủy sinh học của các sản phẩm nhựa trên thị trường, xây dựng giải pháp thúc đẩy quá trình phân giải nhựa sinh học; hợp tác với doanh nghiệp trong phát triển các sản phẩm nhựa sinh học… và đã công bố nhiều kết quả nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế, đăng ký Sáng chế tại Việt Nam.
Tại Diễn đàn một số kết quả nghiên cứu do Viện Công nghệ Sinh học, Viện Kỹ thuật nhiệt đới, Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Tổ chức Kinh tế nền tảng Sinh học – Hà Lan và Châu Âu (Biobased Economy - the Netherlands & Europe) nghiên cứu về tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa và các giải pháp đã được giới thiệu. Một số kết quả, nội dung chính được trình bày và thảo luận tại diễn đàn gồm:
- Kế hoạch hành động của Việt Nam về rác thải đại dương
- Khả năng phân hủy sinh học plastic bởi các tác nhân sinh học khác nhau cung cấp cơ sở khoa học để thiết kế, xây dựng công nghệ xử lý phù hợp đối với ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam
- Đánh giá khả năng phân hủy sinh học của vật liệu polymer và polymer tổ hợp có khả năng phân hủy sinh học bằng các phương pháp hóa học và hóa lý hiện đại
- Sử dụng các vật liệu phân hủy sinh học trong sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường
- Kinh tế nền tảng sinh học ở Hà Lan và Châu Âu: Cụm hóa chất kiến tạo, nhựa sinh học & các hợp chất có chứa năng sinh học từ sinh khối
Các nhà khoa học tham dự Diễn đàn đã thống nhất về thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa hiện nay trên thế giới và ở Việt Nam và những hậu quả, hệ lụy của hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng do loại hình ô nhiễm này gây ra. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng thống nhất các kết quả nghiên cứu liên ngành trình bày trong Diễn đàn là những giải pháp quan trọng góp phần xây dựng cơ sở khoa học vững chắc, tạo nền tảng để tạo nền công nghệ phù hợp với tiềm năng nội lực cao của KHCN Việt Nam. Điều này sẽ góp phần giảm thiểu tác động xấu của rác thải nhựa lên môi trường nói chung và biển nói riêng; đồng thời định hướng cho cộng đồng sử dụng các loại sản phẩm nhựa có khả năng phân hủy sinh học. Đặc biệt, các nhà khoa học mong muốn có nhiều buổi Diễn đàn khoa học về vấn đề Ô nhiễm rác thải nhựa để cùng chia sẻ kiến thức chuyên môn, thúc đẩy các nhà khoa học trẻ nghiên cứu sâu về lĩnh vực này và có nhiều các giải pháp, sáng kiến, ứng dụng giảm thiểu hơn nữa tình trạng ô nhiễm này.
Nguồn: vast.ac.vn