Chiều ngày 25/06/2020, Viện Nghiên cứu Khoa học Miền Trung (MISR) đã phối hợp với Viện Độc lập các Vấn đề Môi trường (UfU, Berlin) đồng tổ chức Hội thảo trực tuyến “Khởi động các dự án biến đổi khí hậu cấp độ nhỏ 2020”. Hội thảo trực tuyến Khởi động các dự án biến đổi khí hậu cấp độ nhỏ năm 2020 được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho phép tổ chức tại Quyết định số 983/QĐ-VHL ký ngày 22/06/2020.
Khai mạc Hội thảo có sự tham dự của TS. Michael Zschiesche, Giám đốc của Viện Độc lập các Vấn đề Môi trường (UfU, Berlin), CHLB Đức. Trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Michael Zschiesche nhận định việc nâng cao nhận thức về thích ứng biến đổi khí hậu cho giới trẻ ở Miền Trung Việt Nam là việc cần được duy trì và cần sự nỗ lực của các bên, trong đó có sự nhiệt tình và ham học hỏi của các bạn trẻ, những người sẽ hoạt động trong lĩnh vực biến đổi khí hậu ở Miền Trung Việt Nam trong tương lai. TS. Michael Zschiesche cám ơn Viện Nghiên cứu Khoa học Miền Trung (MISR, Huế) đã phối hợp tốt với Viện Độc lập các Vấn đề Môi trường (UfU, Berlin), CHLB Đức để tạo ra các hoạt động đào tạo thiết thực cho giới trẻ tại Miền Trung Việt Nam và hỗ trợ các chủ nhiệm dự án trẻ về các vấn đề pháp lý và kết nối. TS. Michael Zschiesche cám ơn sự nỗ lực của hai Viện và các bạn trẻ cùng những người tham gia Hội thảo để đảm bảo cho sự thành công của các dự án biến đổi khí hậu cấp độ nhỏ năm 2020.
Hội thảo được điều hành bởi Bà Eva Mareen Lütkemeyer (UfU, Berlin), bà Hoàng Thị Bình Minh (MISR) đã thu hút gần 20 người tham dự, bao gồm những giảng viên, các nhà hoạt động khí hậu và môi trường trẻ đang công tác và học tập tại các trường đại học, trung tâm nghiên cứu, tổ chức xã hội và tổ chức phi chính phủ trên phạm vi từ Hà Tĩnh đến Quãng Ngãi.
Hội thảo đã được lắng nghe những kết quả đạt được của các dự án biến đổi khí hậu cấp độ nhỏ 2019 cũng như chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thực hiện dự án với đa dạng các chủ đề: Lắp đặt hệ thống điện mặt trời cho các gia đình khó khăn tại thành phố Huế (Dương Bảo Quý, Thừa Thiên Huế); Truyền thông nâng cao nhận thức liên quan đến biến đổi khí hậu cho cộng đồng người dân ven biển tỉnh Quãng Ngãi (Phạm Trần Đình Nho, Quảng Ngãi); Nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của địa phương thông qua trồng cây bần để phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn tại xã Tân Ninh, tỉnh Quảng Bình (Võ Thị Nho, tỉnh Quảng Bình).
Và trong khuôn khổ Hội thảo, tiếp nối sự thành công của các dự án 2019, những dự án được tài trợ năm 2020 cũng đã được trình bày và nhận được những góp ý chuyên môn, thảo luận dành cho các dự án cấp độ nhỏ được lựa chọn trong năm 2020:
Dự án 1. Tăng cường nhận thức về biến đổi khí hậu thông qua trồng bổ sung và bảo vệ cây ngập mặn dọc bờ sông Kiến Giang, xã Tân Ninh, tỉnh Quảng Bình (Võ Thị Nho, Quảng Bình)
Dự án 2. Thí điểm than sinh học từ phụ phẩm giúp nâng cao hiệu suất cây trồng (Nguyễn Văn Kỳ Trường, Quảng Trị)
Dự án 3. Hành Động Xanh, Tương Lai Xanh (Tôn Thất Cảnh Trí, Thừa Thiên Huế)
Dự án 4. Vai trò của thế hệ trẻ đối với việc giảm thiểu tác động của chất thải rắn sinh hoạt lên môi trường nhằm giảm thiểu những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu cho cộng đồng ven biển tỉnh Quảng Ngãi (Phạm Trần Đình Nho, Quảng Ngãi)
Sau khi lắng nghe các thảo luận và góp ý của những người tham gia, các chủ nhiệm dự án nhỏ năm 2020 sẽ điều chỉnh lại chương trình hành động và bổ sung vào kế hoạch thực hiện dự án để đi vào triển khai dự án trong thực tiễn. Tại Hội thảo trực tuyến, những người tham gia có cơ hội chia sẻ kiến thức và kết nối mọi người trên nhiều lĩnh vực khác nhau ở khu vực miền Trung cho những hợp tác trong tương lai. Hội thảo kết thúc vào chiều ngày 25/06/2020.
Thay mặt Ban tổ chức Hội thảo, Viện Nghiên cứu Khoa học Miền Trung xin chân thành cám ơn Viện Độc lập các Vấn đề Môi trường (UfU, Berlin), CHLB Đức đã phối hợp và hỗ trợ cho sự thành công của Hội thảo. Viện Nghiên cứu Khoa học Miền Trung cám ơn sự nhiệt tình và không ngừng nỗ lực của các chủ nhiệm dự án cấp độ nhỏ năm 2020 và sự tham gia tích cực của những người tham gia đã đóng góp vào sự thành công của Hội thảo trực tuyến đầu tiên do Viện Độc lập các Vấn đề Môi trường (UfU, Berlin), CHLB Đức và Viện Nghiên cứu Khoa học Miền Trung (MISR, Huế) đồng tổ chức.