Khảo sát đa dạng sinh học thực vật ngập mặn tỉnh Thừa Thiên Huế

Ngày đăng: 20/09/2019 | 00:09

Hưởng ứng "Phong trào chống rác thải nhựa" do Bộ TN&MT phát động, phong trào “Ngày Chủ nhật Xanh” do Chủ tịch UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế phát động; chi đoàn Viện Nghiên cứu Khoa học Miền Trung (MISR) tổ chức cho các đoàn viên thu dọn rác tại khu vực rừng ngập mặn Rú Chá, Cảnh Dương, Tam Giang của Tỉnh Thừa Thiên Huế. Với mục đích thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy, tránh phát thải khi không cần thiết, góp phần xây dựng lối sống lành mạnh với thiên nhiên và cùng chung tay với xã hội để môi trường ngày một sạch hơn.

Cũng nhân dịp này, Chi đoàn Viện MISR cũng tiến hành khảo sát và đánh giá đa dạng tài nguyên thực vật tại rừng ngập mặn Rú Chá, Cảnh Dương, Tam Giang của Tỉnh Thừa Thiên Huế  trong khuôn khổ đề tài cấp Viện NCKH Miền Trung “Nghiên cứu thành phần loài và đề xuất biện pháp bảo tồn hệ thực vật ngập mặn ở tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Rú Chá - Hương Phong được xem là một bức bình phong che chắn cho phần đất liền khu vực Biển Thuận An khỏi những trận thiên tai như bão lũ. Với diện tích tổng thể khoảng 50 đến 100 ha bao gồm cả mặt nước (phần lõi hơn 5 ha), với cây chá đặc trưng nơi đây với nhiều hình dạng lạ mắt; và được trồng thêm các đối tượng cây ngập mặn bổ sung như: Dừa nước (Nypa fruticans), Bần chua (Sonneratia caseolaris L.) v.v. hứa hẹn sẽ mang lại một cảnh quan mới cho khu vực nơi đây trong tương lai. Ngoài ra, nơi đây được Chính quyền Tỉnh và xã Hương Trà quy hoạch phát triển du lịch sinh thái.

  
Hình: Đoàn thanh niên Viện MISR khảo sát rừng ngập mặn
 
Tam Giang Resort and Spa được xây dựng trên cơ sở khu nghỉ dưỡng cũ của Ngô Đình Cẩn (em trai Tổng thống cũ đầu tiên của Miền Nam Việt Nam - Ngô Đình Diệm) với sự kỳ công trong việc thiết kế cảnh quan giữa cây ngập mặn và công trình trang trí. Nơi đây đã từng ghi nhận sự có mặt 03 loài cóc (Lumnitzera Willdenow, Ges. Naturf. Freunde Berlin Neue Schriften. ), trong đó có cây cóc hồng (Lumnitzera rosea) và cóc đỏ (Lumnitzera littorea) có giá trị về mặt khoa học. Tuy nhiên, do quá trình cải tạo cảnh quan, 03 cây cóc đỏ đã bị mất đi và danh lục thực vật ngập mặn chính thức của tỉnh giảm đi 1 loài quý hiếm.
 
Rừng ngập mặn Cảnh Dương, khu vực với nhiều loài thực vật ngập mặn đặc trưng như: Đước (Rhizophora apiculata (Bl.)), Sú (Aegiceras corniculatum (L.) Blanco), Mấm vàng (Avicenia lanata Ridley), Su ổi (Xylocarpus granatum Roehn), Cui biển (Heritiera littoralis Dryand.) v.v. mang lại một tiềm năng cây giống rất lớn trong việc trồng phục hồi rừng ngập mặn đã mất. Với vị trí gần núi, bãi biển, Khu du lịch sinh thái Laguna và làng dân chài vẫn đang định cư, khu vực này hứa hẹn sẽ là danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong tương lai gần của tỉnh Thừa Thiên Huế.
 
Những chuyến đi thật ngắn nhưng đã góp phần chuyển tải thông điệp mà chi đoàn muốn gửi gắm đến các thành viên. Hoạt động nghiên cứu gắn liền với thực tế địa phương sẽ giúp đoàn viên và các nghiên cứu viên có thêm ý tưởng trong công tác nghiên cứu. Đặc biệt, các chuyến đi đã góp phần mở rộng tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong Viện Nghiên cứu Khoa học Miền Trung.
 
Nguồn: Đoàn thanh niên viện MISR
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top