Khởi động dự án nghiên cứu GreenCityLabHuế - “Các giải pháp dựa vào thiên nhiên để tăng cường tính chống chịu khí hậu của các khu vực đô thị ở Miền Trung Việt Nam, lấy Huế là ví dụ”
Ngày đăng: 13/11/2019 | 00:11
Ngày 24 tháng 10 năm 2019, Viện Nghiên cứu Khoa học Miền Trung (MISR) đã phối hợp với Đại học Humboldt tại Berlin (HUB) và Viện Độc lập các Vấn đề Môi trường (UfU), CHLB Đức để tổ chức thành công Hội thảo khởi động dự án nghiên cứu GreenCityLabHuế tại Khách sạn Hương Giang, 51 Lê Lợi, thành phố Huế.
Dự án GreenCityLabHuế có mục tiêu tạo ra một không gian trao đổi thông tin, dữ liệu và các ý tưởng về hạ tầng xanh và hạ tầng mặt nước (GBI) ở Huế giữa các bên tham gia là nhà khoa học, nhà quản lý, người làm chính sách và xã hội dân sự; và để thử nghiệm các kịch bản phát triển hạ tầng xanh khác nhau ở thành phố Huế. Dự án có sự phối hợp giữa tiếp cận đa ngành giữa các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học tại tỉnh Thừa Thiên Huế và hợp tác quốc tế (Đại học Humboldt và Viện Độc lập (HUB) các Vấn đề Môi trường, Berlin (UfU), CHLB Đức) và Viện Nghiên cứu Khoa học Miền Trung (MISR) để giúp chuyển tải các tiếp cận và ý tưởng về phát triển đô thị bền vững thành các lựa chọn cụ thể cho kế hoạch hành động và làm nên những thay đổi có thể thấy được (bằng các bản đồ, mô hình) cho các bên tham gia dự án và công chúng rộng lớn hơn. Điều này cho phép phát triển các kế hoạch hành động cụ thể và được chấp nhận rộng rãi bởi các bên tham gia nhằm cải thiện điều kiện kinh tế-xã hội, tăng tính chống chịu và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu của một thành phố Huế bền vững hơn. Dự án được cấp kinh phí bởi Bộ Nghiên cứu và Giáo dục (BMBF), CHLB Đức. Pha 1 của dự án được thực hiện từ tháng 7/2019-12/2020.
Viện Nghiên cứu Khoa học Miền Trung (MISR) trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giữ vai trò là đối tác tại Việt Nam của dự án. ThS. Hoàng Thị Bình Minh (0935051975, hoangtbinhminh@gmail.com) là điều phối viên của dự án ở phía Việt Nam.
Ảnh 1. Logo của dự án GreenCityLabHuế và logo các đơn vị chủ nhiệm dự án cùng nhà tài trợ BMBF
Ở phần Khai mạc Hội thảo khởi động dự án GreenCityLabHuế, TS. Hoàng Lê Tuấn Anh, Phụ trách Viện Nghiên cứu Khoa học Miền Trung, đã có bài phát biểu và chào mừng các đại biểu đến dự Hội thảo.
Ảnh 2. TS. Hoàng Lê Tuấn Anh, Phụ trách Viện Nghiên cứu Khoa học Miền Trung phát biểu khai mạc Hội thảo
Tiếp đó, TS. Michael Zschiesche, Viện trưởng Viện Độc lập các Vấn đề Môi trường (UfU, Berlin) đã có bài phát biểu thay mặt cho Ban chủ nhiệm dự án ở phía CHLB Đức. TS. Michael Zschiesche nhận định rằng, muốn phát triển hạ tầng xanh (GBI) đầy đủ thì chỉ có thể tiếp cận toàn diện tất cả các không gian xanh hiện có trong đô thị để đem lại các giá trị lợi ích về môi trường, sức khỏe, kinh tế, văn hóa, xã hội, hay nói cách khác là tạo ra một đô thị Huế xanh vì người dân Huế và cho người dân Huế. TS. Michael Zschiesche mong muốn nhận được sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan để dự án đạt được mục tiêu đã đề ra.
Ảnh 3. TS. Michael Zschiesche, Viện trưởng Viện Độc lập các Vấn đề Môi trường (UfU, Berlin), CHLB Đức thay mặt Ban chủ nhiệm dự án phát biểu khai mạc Hội thảo
Mở đầu của Hội thảo là phần tham luận của TS. Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thừa Thiên Huế (HueIDS). Bài tham luận nêu lên tính chất và đặc điểm của đô thị Huế cùng các kế hoạch phát triển đô thị Huế đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050.
Ảnh 4. TS. Cung Trọng Cường trình bày tham luận về “Định hướng phát triển đô thị Huế thích ứng biến đổi khí hậu”
Bài tham luận của PGS.TS. Trần Anh Tuấn, Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Huế, trình bày về “Thách thức của tỉnh Thừa Thiên Huế trong bối cảnh biến đổi khí hậu”. Bài trình bày đã nêu lên thực trạng biến đổi khí hậu tại tỉnh Thừa Thiên Huế trong quá khứ, những sự kiện thời tiết cực đoan và những thách thức hiện nay trong thích ứng biến đổi khí hậu tại đô thị Huế.
Ảnh 5. PGS.TS.Trần Anh Tuấn trình bày tham luận
Phía trường Đại học Humboldt, Berlin có 3 tham luận nhưng do điều kiện không cho phép, GS. Dagmar Haase, Chủ nhiệm dự án, đã gởi bài trình bày bằng video “Hạ tầng xanh – Giải pháp dựa vào thiên nhiên ở các đô thị - Phương pháp và Công cụ của Phòng Sinh thái đô thị, Đại học Humboldt, Berlin (HUB)”.
Ảnh 6. Bài trình bày bằng video của GS. Dagmar Haase, Chủ nhiệm dự án GreenCityLabHuế
Thư ký của dự án GreenCityLabHuế, Jessica Jache, đã đại diện Đại học Humboldt, Berlin, CHLB Đức để trình bày bài tham luận “Lợi ích của hạ tầng xanh và những ví dụ của các nước Châu Âu”. Bài tham luận khái quát những lợi ích của hạ tầng xanh và những thành phố ở Châu Âu thành công trong việc áp dụng triệt để việc bảo vệ hạ tầng xanh trong phát triển đô thị.
Ảnh 7. Jessica Jache, Thư ký dự án GreenCityLabHuế của GS. Dagmar Haase, Đại học Humboldt, Berlin, CHLB Đức
Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia và các cán bộ chuyên trách tại các cơ quan chuyên môn tại Huế. Các đại biểu đã có nhiều thảo luận chi tiết về những vấn đề xã hội thách thức hiện nay tại Huế cũng nhưng đóng góp thêm nhiều ý kiến chuyên môn để nhóm làm dự án hoàn thiện kế hoạch nghiên cứu và đưa các ứng dụng của dự án vào thực tiễn nhu cầu phát triển hạ tầng xanh ở Huế.
Ảnh 8. PGS.TS. Trần Anh Tuấn thảo luận tại Hội thảo
Ảnh 9. TS. Trần Tuấn Anh, Khoa Kiến Trúc, Đại học Khoa học Huế góp ý cho dự án GreenCityLabHuếẢnh 10. ThS. Lê Thế Nhân, Giám đốc Trung tâm Phát triển Cộng đồng và Công tác Xã hội (CODES) thảo luận về những thách thức xã hội hiện nay ở Huế
Ảnh 11. TS. Cung Trọng Cường đề xuất dự án GreenCityLabHuế nghiên cứu Huế với địa giới hành chính mở rộngẢnh 12. ThS. Hoàng Văn Trung, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại Hội thảo
Các đại biểu tiếp tục thảo luận về dự án GreenCityLabHuế ở phần giải lao, sau đó tiếp tục tham gia phần tiếp theo của Hội thảo. TS. Nguyễn Thị Kim Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội các đô thị Việt Nam (ACVN) đã trình bày về “Mô hình chuẩn trong thích ứng biến đổi khí hậu ở các thành phố của Việt Nam” với những dự án thành công về xây dựng đô thị tại Việt Nam.
Ảnh 13. TS. Nguyễn Thị Kim Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội các đô thị Việt Nam (ACVN) trình bày tại Hội thảo khởi động dự án GreenCityLabHuế
Viện Nghiên cứu Khoa học Miền Trung (MISR) tham gia Hội thảo với bài trình bày của ThS. Hoàng Thị Bình Minh về “Nhu cầu phát triển hạ tầng xanh tại thành phố Huế”. Bài trình bày phân tích các lợi ích khác nhau mà hạ tầng xanh đem lại cho người dân Huế dựa trên các nhu cầu về môi trường và phát triển kinh tế-xã hội tại Huế như bảo vệ nguồn nước các lưu vực sông và đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ vườn, cải thiện vi khí hậu và cải tạo cảnh quan đô thị cũng như nhu cầu về bảo vệ sức khỏe và tạo ra việc làm mới tại Huế. Bài trình bày cũng phân tích những cơ sở pháp lý để phát triển hạ tầng xanh cũng như nhận định những rào cản trong phát triển hạ tầng xanh tại Huế. ThS. Hoàng Thị Bình Minh cũng đề xuất những định hướng về phát triển hạ tầng xanh để đảm bảo xây dựng đô thị Huế thành đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện môi trường.
Ảnh 14. ThS. Hoàng Thị Bình Minh, Viện Nghiên cứu Khoa học Miền Trung trình bày về nhu cầu phát triển hạ tầng xanh tại Huế
Ở khía cạnh kỹ thuật của dự án GreenCityLabHuế, TS. Sebastian Scheuer, Đại học Humboldt, Berlin (HUB) đã gởi bài trình bày video về “Mô hình hóa các kịch bản sử dụng đất dựa vào diễn giải của các bên liên quan”. Phần trình bày đưa ra phương án xử lý dữ liệu và quy trình phân tích không gian để đưa ra mô hình các kịch bản sử dụng đất theo nhu cầu phát triển hạ tầng xanh tại Huế trong tương lai.
Ảnh 15. Bài trình bày video của TS. Sebastian Scheuer, Đại học Humboldt, Berlin (HUB) về các vấn đề kỹ thuật trong phân tích không gian đô thị dựa vào diễn giải của các bên liên quan
Đại diện Viện Độc lập các Vấn đề Môi trường (UfU, Berlin), Kora Rösler đã thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày về các nội dung và lộ trình của GreenCityLabHuế để hình thành không gian học tập đô thị xanh cho thành phố Huế.
Ảnh 16. Kora Rösler, Viện Độc lập các Vấn đề Môi trường (UfU), Berlin trình bày về việc xây dựng không gian học tập đô thị xanh tại thành phố Huế - Huế Green City Lab
Đặc biệt, đến dự Hội thảo khởi động dự án GreenCityLabHuế còn có TS. Nguyễn Việt Cường, đại diện của Văn phòng Biến đổi Khí hậu tỉnh Bình Định, Chủ nhiệm dự án GreenUP Project tại thành phố Quy Nhơn. TS. Nguyễn Việt Cường đã có những chia sẻ chân thành về kinh nghiệm tổ chức các hoạt động nghiên cứu phục vụ cho việc phát triển hạ tầng xanh tại Huế. TS. Nguyễn Việt Cường mong muốn hợp tác với dự án GreenCityLabHuế trong tương lai để xây dựng mạng lưới các đô thị hướng đến phát triển hạ tầng xanh tại Việt Nam.
Ảnh 17. TS. Nguyễn Việt Cường, Văn phòng điều phối về biến đổi khí hậu tỉnh Bình Định chia sẻ các kinh nghiệm từ dự án GreenUP Project ở thành phố Quy Nhơn
TS. Michael Zschiesche đã thay mặt Ban tổ chức dành lời cám ơn đến những người đến dự Hội thảo và đem đến nhiều đóng góp bổ ích cho dự án GreenCityLabHuế. TS. Michael Zschiesche cám ơn hai phiên dịch viên của Hội thảo đã dành thời gian nghiên cứu trước các bài trình bày và tạo thuận lợi cho dự án được tiếp cận với các cơ quan chuyên môn và chuyên gia tại Huế. Dự án sẽ có những điều chỉnh cần thiết để có thể giới thiệu đến công chúng các kết quả nghiên cứu tiếp theo vào tháng 3/2020.
Hội thảo khép lại bằng việc chụp ảnh tập thể lưu niệm và tiệc tối tại Khách sạn Hương Giang, 51 Lê Lợi, thành phố Huế.
Ảnh 18. Ảnh tập thể Hội thảo khởi động dự án GreenCityLabHuế ngày 24.10.2019
Viện Nghiên cứu Khoa học Miền Trung (MISR) cám ơn sự hợp tác của Đại học Humboldt, Berlin (HUB) và Viện Độc lập các Vấn đề Môi trường (UfU, Berlin) trong xây dựng dự án để nộp hồ sơ xin kinh phí từ Bộ Nghiên cứu và Giáo dục (BMBF), CHLB Đức. Viện Nghiên cứu Khoa học Miền Trung dành lời cám ơn đặc biệt đến GS. Dagmar Haase và Jessica Jache về những hướng dẫn chi tiết trong mọi khâu tổ chức và điều hành dự án GreenCityLabHuế; và cám ơn Viện Độc lập các Vấn đề Môi trường (UfU, Berlin) về sự hợp tác, hỗ trợ lâu dài và bền vững cho hoạt động thích ứng biến đổi khí hậu tại Miền Trung Việt Nam.
Viện Nghiên cứu Khoa học Miền Trung thay mặt Ban chủ nhiệm dự án cám ơn sự quan tâm và hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn và các chuyên gia của tỉnh Thừa Thiên Huế dành cho dự án. Chân thành cám ơn các đối tác của dự án GreenCityLabHuế gồm: Trung tâm nghiên cứu biến đổi khí hậu Miền Trung (CCCSC); Khoa Kiến Trúc, Đại học Khoa học Huế; Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế (DONRE); Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế (DPI) đã tạo điều kiện đưa dự án về tỉnh Thừa Thiên Huế.
Viện Nghiên cứu Khoa học Miền Trung chân thành cám ơn các đại diện đến từ UBND thành phố Huế, Sở Thông tin và Truyền Thông, Sở Xây dựng, Sở Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Hương, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm Khí tượng và Thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Công ty công viên cây xanh, Công ty Môi trường và Công trình đô thị, Viện Quy hoạch và Xây dựng, Sở Xây dựng, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế, Viện Nghiên Cứu Sức Khỏe Cộng Đồng, Trường Đại Học Y Dược Huế, Viện Tài nguyên và Môi trường, Khoa Khoa học Môi trường, Đại học Khoa học Huế, Khoa Địa lý- Địa chất, Đại học Khoa học Huế, Khoa Tài Nguyên đất và Môi trường Nông nghiệp, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển xã hội, Hội nông dân thành phố Huế, Hội Liên Hiệp Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế, Liên Hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế, Hội quy hoạch và phát triển đô thị, Hội nuôi ong, Hội làm vườn, Hội sinh vật cảnh, Trung tâm phát triển cộng đồng và công tác xã hội, Trung tâm phát triển kinh tế và bảo tồn văn Hóa, Trung tâm phát triển năng lực cộng đồng, Hiệp hội Eurasia, Trung tâm bảo trợ người khuyết tật Tịnh Trúc Gia, Trung tâm Giáo dục quốc tế, Đại học Huế đã đến tham dự và đóng góp vào thành công của Hội thảo khởi động dự án nghiên cứu GreenCityLabHuế.
Bài và ảnh: Bình Minh