Bệnh đái tháo đường đang trở thành căn bệnh nguy hiểm và khá phổ biến ở nước ta và trên thế giới. Từ lâu, cây lá đắng cũng được sử dụng trong dân gian làm thuốc chữa bệnh tiểu đường. Vì vậy, những nghiên cứu sâu hơn về cây thuốc này, nhất là việc phát hiện ra hợp chất mới Vernoamyosit E từ cây lá đắng có ý nghĩa cả về khoa học và thực tiễn.
Cây lá đắng Vernonia Amygdaline
PGS. TS. Phạm Việt Cường cùng các cộng sự tại Viện Nghiên cứu khoa học miền Trung đã thực hiện các nghiên cứu, đánh giá hoạt tính sinh học của dịch chiết lá đắng. Nhóm nghiên cứu đã quyết định trồng cây lá đắng ở 3 khu vực có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau ở Thừa Thiên Huế để xác định xem, ở khu vực nào loài cây này sẽ có hoạt chất tốt nhất. Sau khi trồng thử nghiệm cây lá đắng ở Phong Điền, Phú Vang và Phú Lộc thì nhóm nghiên cứu thấy rằng, cả 3 vùng sinh thái cây lá đắng đều sinh trưởng và phát triển được. Tuy nhiên cây lá đắng được trồng ở Phú Vang cho chất lượng tốt nhất, do có đất phù sa bồi đắp, nhiều vi lượng tốt và khí hậu ôn hòa hơn những vùng còn lại.
Sau khi thu hoạch lá và tách chiết, nhóm nghiên cứu đã sàng lọc nhằm tìm kiếm các chất có khả năng chống đái tháo đường thông qua việc đánh giá các chất có khả năng ức chế enzym α-amylase và α- glucosidase, các nhà khoa học đã đi sâu nghiên cứu thành phần hóa học của cây lá đắng và đã phân lập được một hợp chất mới là Vernoamyosit E, một hợp chất thuộc lớp chất sterol glysosit có dạng khung stigmastan thể hiện một hoạt tính khá cao ức chế enzym α-amylase và α- glucosidase. Đây là một phát hiện hoàn toàn mới.
Nghiên cứu Hợp chất Vernoamyosit E và Phương pháp chiết hợp chất này từ cây lá đắng Vernonia Amygdaline của các nhà khoa học Viện Nghiên cứu khoa học miền Trung đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền sáng chế số 1-002850 công bố ngày 25/06/2021.