Nghiệm thu đề tài cấp tỉnh “Đánh giá tài nguyên cây thuốc và tri thức bản địa về các loài cây dược liệu phục vụ phát triển công nghiệp hóa dược tỉnh Thừa Thiên Huế"

Ngày đăng: 20/12/2020 | 00:12
Sáng ngày 20/12, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội đồng KH&CN đánh giá, nghệm thu đề tài cấp tỉnh “Đánh giá tài nguyên cây thuốc và tri thức bản địa về các loài cây dược liệu phục vụ phát triển công nghiệp hóa dược tỉnh Thừa Thiên Huế". Đề tài do Viện Nghiên cứu Khoa học miền Trung thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì thực hiện, Chủ nhiệm đề tài là PGS.TS. Hoàng Lê Tuấn Anh. Tham dự Hội nghị có TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng chủ trì hội nghị và các thành viên trong hội đồng, cùng các đại biểu từ các sở ban ngành liên quan.
Toàn cảnh hội đồng
 
Mục tiêu của đề tài gồm: Xây dựng danh lục cây thuốc và tri thức bản địa của 200 loài cây thuốc tại tỉnh Thừa Thiên Huế; Đề xuất 2-3 cây dược liệu tiềm năng phát triển tại tỉnh Thừa Thiên Huế; Nghiên cứu thăm dò thành phần hóa học của 02 loài cây dược liệu tiềm năng nhất ở Thừa Thiên Huế.
 
Từ mục tiêu của đề tài, Ban chủ nhiệm đề tài đã thực hiện 07 nội dung nghiên cứu đó là: Nghiên cứu chọn lọc và xây dựng danh lục rút gọn 200 loài cây thuốc theo tri thức bản địa tại tỉnh Thừa Thiên Huế; Khảo sát thu thập 20 mẫu dược liệu tiềm năng; Sàng lọc hoạt tính gây độc tế bào ung thư, kháng viêm của 20 cây dược liệu tiềm năng của tỉnh Thừa Thiên Huế; Nghiên cứu thành phần hóa học của 2 loài dược liệu tiềm năng nhất (phân lập và xác định cấu trúc hóa học); Đánh giá hoạt tính gây độc tế bào ung thư, kháng viêm của các hoạt chất chính phân lập được từ 2 loài dược liệu tiềm năng; Nghiên cứu định lượng hàm lượng hoạt chất chính phân lập được từ 2 loài dược liệu (3 chất/mẫu); Đề xuất phương án phát triển 2-3 cây dược liệu tiềm năng tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
PGS.TS. Hoàng Lê Tuấn Anh - Chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả
 
Kết quả triển khai đề tài với 07 nội dung thực hiện, Ban chủ nhiệm đề tài đã đưa ra một số kết luận như sau:
 
  • Đã xây dựng danh lục 200 loài cây thuốc thuộc 134 chi, 81 họ, 3 ngành thực vật bậc cao phân bố ở tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó đặc biệt phát hiện ra 02 loài mới cho khoa học và Việt Nam là: Acranthera hoangii Hareesh & T.A. Le và loài Aspidistra heterocvarpa Aver., Tillich & V.T. Pham var. echinata Aver., Tillich & T.A. Le (Tỏi rừng hoa ẩn quả lông).
  • Đã xây dựng danh lục và lập tiêu bản 20 loài dược liệu tiềm năng thuộc 19 chi, 16 họ, 15 bộ, thuộc hai ngành Dương xỉ và Hạt kín, trong đó ngành Hạt kín chiếm ưu thế, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của tỉnh Thừa Thiên Huế.
  • Phát hiện 7/20 loài (tầm bóp, xà căn Ba vì, chó đẻ răng cưa, bình vôi, an xoa, kê huyết đằng, râu hùm Việt Nam và nghệ vàng) có hoạt tính gây độc đối với 5 dòng tế bào ung thư thử nghiệm. Trong đó, các loài tầm bóp, xà căn Ba Vì, chó đẻ răng cưa và bình vôi thể hiện hoạt tính gây độc ở mức trung bình trên cả 5 dòng tế bào ung thư thử nghiệm với giá trị IC50 từ 7,12 đến 43, 25 µg/mL.
  • Phát hiện 11/20 dược liệu (an xoa, kê huyết đằng, nghệ vàng, cà gai leo, bá bệnh, tầm bóp, lá đắng, bạch hoa xà, râu hùm Việt Nam, chó đẻ răng cưa, bình vôi, và xương khỉ) có ức chế sản sinh NO trong tế bào RAW264.7. Trong đó, cao chiết các loài an xoa, kê huyết đằng, nghệ vàng, cà gai leo và bá bệnh có tác dụng kháng viêm mạnh với giá trị IC50 từ 11,15 đến 28,35 µg/mL.
  • Đã phân lập và xác định cấu trúc hóa học 25 hợp chất từ 02 loài dược liệu tiềm năng nhất (xà căn Ba Vì: 9 chất; an xoa: 16 chất). Trong đó có 01 hợp chất mới, (3β,23,24–trihydroxyurs-12-en-28-oic acid); 04 hợp chất lần đầu tiên phân lập được từ chi Ophiorrhiza, 12 hợp chất lần đầu tiên phân lập được từ chi Helicteres. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu lần đầu tiên phân lập và xác định cấu trúc hóa học 06 hợp chất từ loài lèo heo.
  • Phát hiện 7/20 hợp chất có tác dụng ức chế các dòng tế bào ung thư thử nghiệm (SK-LU-1, A549, Hela, MCF-7, KB), 13/20 hợp chất có tác dụng kháng viêm ở các mức độ khác nhau.
  • Đã xác định được hàm lượng các hoạt chất chính (OB3, OB5, OB10, HH7, HH15 và HH28) của 02 loài dược liệu tiềm năng nhất với giá trị phần trăm khối lượng hoạt chất có trong cao chiết methanol dao động 0,54 – 2,44%
  • Đề xuất lựa chọn 03 loài dược liệu tiềm năng nhất để phát triển tại tỉnh Thừa Thiên Huế là: an xoa, xà căn Ba Vì và tầm bóp. Bước đầu đưa ra phương án phát triển cây dược liệu hướng đến phát triển ngành công nghiệp hóa dược tỉnh Thừa Thiên Huế.
  • Đã công bố 02 bài báo trên tạp chí quốc tế, 02 bài báo trên tạp chí Quốc gia. Nội dung các bài báo có hàm lượng khoa học cao, phản ánh trung thực các kết quả nghiên cứu của đề tài.
TS. Hồ Thắng – Chủ tịch Hội đồng phát biểu kết luận 
 
Qua báo cáo kết quả đề tài, Hội đồng đã đánh giá cao việc thực hiện đề tài, qua đó thấy được vai trò của tài nguyên cây thuốc và tri thức bản địa về các loài cây dược liệu phục vụ phát triển công nghiệp hóa dược tỉnh Thừa Thiên Huế, là cơ sở để  nghiên cứu các mô hình trồng thử nghiệm các loài dược liệu tiềm năng này nhằm đánh giá khả năng phát triển vùng dược liệu lớn cũng như xây dựng quy trình công nghệ tách chiết lượng lớn để phục vụ cho việc phát triển và thương mại hoá sản phẩm. Các sản phẩm giao nộp của đề tài đã đảm bảo về nội dung và chất lượng của thuyết minh. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng đã yêu cầu Ban chủ nhiệm đề tài bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung cho phù hợp.
 
Kết quả Hội đồng đã  thống nhất đề tài xếp loại Đạt và yêu cầu Ban chủ nhiệm đề tài hoàn thiện chỉnh sửa báo cáo tổng kết theo quy định.
Nguồn: Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top